Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Sạch nợ xấu khi Habubank sáp nhập cùng SHB

Theo bản dự thảo đề án sáp nhập phía Habubank khẳng định, việc sáp nhập sẽ giúp 2 NH trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu mạnh hơn. 2 NH sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một DN có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập. Đồng thời, NH mới sau khi sáp nhập có mạng lưới dịch vụ, thị phần phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt là hoạt động bán lẻ.


Habubank còn cho biết, hai bên đã thỏa thuận được với nhau những điều khoản quan trọng sau quá trình sáp nhập, như: mạng lưới chi nhánh, nhân sự, đặc biệt là tỷ lệ chuyển đổi cổ tức của các cổ đông sau khi sáp nhập, vấn đề quy mô, tăng trưởng tín dụng sau sáp nhập đặc biệt vấn đề nợ xấu cũng đã được giải quyết...

NH mới sau khi Habubank và SHB "về một nhà" sẽ có tên là NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có vốn điều lệ lên tới gần 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng với hơn 500.000 khách hàng và 5.000 nhân viên...

Cũng theo dự thảo sáp nhập, các chủ sở hữu cổ phần của Habubank sau khi sáp nhập vào SHB sẽ được hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1 cổ phần HBB bằng 0,75 cổ phần SHB. Tổng số cổ phần mà cổ đông HBB nhận khi hoán đổi sẽ được làm tròn theo nguyên tắc làm tròn xuống số nguyên gần nhất.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Đối với Habubank không còn chuyện nợ xấu

Trong bản đề án, HĐQT Habubank đưa ra 6 cái lợi lớn ngoài việc Habubank không còn nợ xấu thì bên cạnh đó Habubank cũng như SHB sẽ đạt được nếu như thương vụ thành công.



Theo đó, thứ nhất, thỏa thuận này sẽ giúp 2 ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn.

Thứ hai, ngân hàng sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập.

Thứ ba, mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn.

Thứ tư, bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí.

Thứ năm, những điểm mạnh của SHB sẽ hỗ trợ cho Habubank và ngược lại Habubankcó nhiều điểm mạnh để hỗ trợ SHB.

Thứ sáu, còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của NHNN trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nếu tiến hành sáp nhập thành công, theo Habubank, kế hoạch này sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển. Định chế này có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng; khoảng 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng; có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có các khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng và một lực lượng đông đảo các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau; có khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả và an toàn cho một khối lượng lớn các khách hàng cá nhân...

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

(Habubank - vef.vn) Thủ tướng ban hành quyết định 254 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015" với mục tiêu cơ cấu lại toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến năm 2015 hình thành được 1- 2 ngân hàng thương mại nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh.


Thủ tướng yêu cầu trước 1/7/2012 phải xây dựng xong Quyết định về việc góp vốn, mua cổ phần của NHNN tại tổ chức tín dụng.

Theo quyết định, sẽ khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan. Các tổ chức tín dụng có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt.

Giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bao gồm tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thực hiện cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp và đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại nhà nước sau cổ phần hóa.

Nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu. Phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại nhà nước dưới 3%; từng bước giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chia các tổ chức tín dụng thành 3 nhóm (lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém) để có biện pháp xử lý thích hợp.

Với các tổ chức tín dụng lành mạnh, sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện để tăng quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh. Tham gia xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và thiếu hụt thanh khoản bằng cách cho vay hỗ trợ thanh khoản; mua lại, sáp nhập các tổ chức yếu kém.

Với các tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản tạm thời, NHNN sẽ tái cấp vốn để đảm bảo khả năng chi trả và tổ chức có thể trở lại hoạt động bình thường. Tổ chức tín dụng phải hạn chế tăng trưởng tín dụng, tích cực huy động vốn để trả nợ NHNN và tăng khả năng chi trả. NHNN sẽ giám sát chặt chẽ tình hình tài chính và hoạt động của các tổ chức tín dụng được tái cấp vốn.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thuộc nhóm này sáp nhập, hợp nhất với nhau và sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng lành mạnh.

NHNN có thể bắt buộc các tổ chức tín dụng thiếu thanh khoản tạm thời phải thực hiện một hoặc một số tỷ lệ an toàn cao hơn mức quy định chung.

Với các tổ chức tín dụng yếu kém, NHNN sẽ tái cấp vốn trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tín dụng tốt với mức tối đa tương đương mức vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được tái cấp vốn.

Tổ chức tín dụng yếu kém phải chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Hạn chế tổ chức tín dụng nhóm này chia cổ tức, lợi nhuận. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp và tài sản, giảm dư nợ tín dụng và hạn chế mở rộng quy mô. Đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng yếu kém.

Sau khi áp dụng các biện pháp đảm bảo khả năng chi trả, tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được sáp nhập, hợp nhất, mua lại. NHNN trực tiếp mua lại vốn điều lệ hoặc cổ phần của tổ chức tín dụng yếu kém để chấn chỉnh, sau đó sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác hoặc bán lại cho nhà đầu tư đủ điều kiện.

Xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém.

Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Quyết định về việc góp vốn mua cổ phần của NHNN tại tổ chức tín dụng, trình Thủ tướng ban hành trước 1/7/2012.

Bộ Tài chính sẽ phải phối hợp với NHNN xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt phương án xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước đến 2015.