Trên thực tế, việc yêu cầu dừng huy động và cho vay vàng là để thực hiện các quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-NHNN và Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng. Đây được xem là một trong những cơ sở để NHNN xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho các ngân hàng trong thời gian tới.
Về yêu cầu cụ thể tại Công văn số 3854/NHNN-QLNH, các ngân hàng chỉ còn phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng với khối lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ, tồn quỹ không đủ để chi trả và đảm bảo việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng, chấm dứt vào ngày 25/11/2012.
Đồng thời, việc phát hành chứng chỉ cũng phải chứng minh mức độ cần thiết và mục đích phát hành với NHNN, các ngân hàng có lộ trình giảm lãi suất huy động chứng chỉ ngắn hạn vàng ở mức phù hợp để giảm lượng vốn vàng huy động.
Đối với các ngân hàng, việc siết dần hoạt động kinh doanh vàng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Vàng là tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền, nên trong những năm gần đây, do cạnh tranh huy động gay gắt, hầu hết các ngân hàng đều đầu tư mạnh cho mảng nghiệp vụ huy động vàng.
Ngay cả khi đã nắm rất rõ lộ trình việc tăng cường quản lý thị trường vàng, nhiều ngân hàng vẫn chưa thể “giảm đáng kể” việc huy động. Vẫn có nhà băng “âm thầm” huy động vàng dưới hình thức giữ hộ hoặc phát hành chứng chỉ bằng vàng có trả lãi cho các khách hàng, thậm chí có nhà băng trả lãi suất với mức khá tốt là 3 - 4%/năm.
Đại diện một ngân hàng cho biết, trong 2 năm qua, mảng hoạt động ngân quỹ đã đem lại khoản thu nhập xấp xỉ 20% tổng thu nhập của Ngân hàng. Trong đó, hoạt động kinh doanh vàng đem lại một hiệu quả tương đối tốt cho nhà băng, vì ngân hàng sử dụng vàng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, chứ không cho vay. Ngoài ra, huy động vốn bằng vàng sẽ phần nào giúp cho các ngân hàng trong việc đảm bảo thanh khoản.
Đây là lý do tại sao ở những nhà băng nhỏ khó cạnh tranh về thị phần huy động vẫn tiếp tục thu hút vốn bằng vàng trong dân, vì đây được xem là một giải pháp để hoán chuyển sang tiền đồng khi có nhu cầu.
Còn nhà băng lớn, dù áp dụng mức lãi suất thấp hơn nhưng khi chưa tới thời điểm chính thức bị yêu cầu dừng huy động thì mảng nghiệp vụ này tiếp tục được duy trì dưới hình thức chứng chỉ. Chẳng hạn như tại ACB, lãi suất đối với chứng chỉ huy động vàng được Ngân hàng áp dụng mức cao nhất hiện nay là 2%/năm cho kỳ hạn dài và dưới 2%/năm kỳ hạn ngắn. Còn tại Eximbank, huy động chứng chỉ bằng vàng kỳ hạn từ 1 – 6 tháng, lãi suất áp dụng mức cao nhất 1%/năm cho khách hàng gửi từ 10 lượng vàng trở lên (áp dụng cho kỳ hạn 1 – 3 tháng) và 0,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Theo lý giải của một cán bộ cấp cao ACB, sở dĩ Ngân hàng huy động vốn bằng vàng là nhằm duy trì lượng khách hàng cũ đã gửi vàng vào ACB trước đây, chứ thực tế, vàng huy động về nằm trong kho của Ngân hàng đã lên đến hơn 1 triệu lượng.
“Thời gian qua, dù lãi suất huy động vốn bằng vàng đã được điều chỉnh giảm về gần mức bằng 0%, nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi vàng, do thói quen của người tiêu dùng cất giữ vàng để làm của. Đây được xem là tài sản đảm bảo giá trị của đồng vốn”, đại diện một nhà băng nói.
Trên thực tế, vàng là một nguồn lực tài chính cần phải thừa nhận trong nền kinh tế, nên huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng. Một lượng vàng rất lớn nằm trong dân từ trước đến nay được hệ thống ngân hàng huy động. Tuy nhiên, hai năm nay, hoạt động này bị ngừng trệ.
Do đó, một chuyên gia ở lĩnh vực tiền tệ cho rằng, sử dụng VND mua vàng gửi vào ngân hàng thương mại để bảo toàn đồng vốn của mình suy cho cùng là một sự đánh đổi. Vì lãi suất gửi vốn vàng thấp hơn nhiều so với lãi suất VND. Giá vàng có thể tăng lên mà cũng giảm xuống, nhưng vẫn đảm bảo giá trị.
Câu chuyện này cho thấy, khi nhu cầu nắm giữ vàng vẫn còn cao thì nhu cầu gửi tại ngân hàng dù lãi ít và nhằm mục đích giữ an toàn tài sản là có thực. Việc siết lại thị trường vàng là cần thiết, nhưng để đáp ứng nhu cầu của người dân và huy động được lượng vàng lớn trong dân cho phát triển kinh tế sẽ tiếp tục là chủ đề lớn trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét